Trang chủ > DIỄN VIÊN, dienanh, phim, sao viet, WEB24H.COM.VN > ‘Vượt qua bến Thượng Hải’ vượt lối mòn phim lịch sử Việt

‘Vượt qua bến Thượng Hải’ vượt lối mòn phim lịch sử Việt

Vẫn còn nhiều hạn chế trong cách xây dựng, song bộ phim điện ảnh mới nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sự sáng tạo về thể loại và trau chuốt hơn về mặt hình ảnh, âm thanh. /

Vẫn còn nhiều hạn chế trong cách xây dựng, song bộ phim điện ảnh mới nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sự sáng tạo về thể loại và trau chuốt hơn về mặt hình ảnh, âm thanh.

2010 kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long, đồng thời cũng là năm có nhiều chuyển biến đối với phim cổ trang – lịch sử Việt Nam. Sau Tây Sơn Hào Kiệt, Long thành cầm giả caKhát vọng Thăng Long, Vượt qua bến Thượng Hải là bộ phim thứ tư của dòng phim này ra mắt khán giả trong năm qua. Được coi là phần tiếp của Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong từ năm 2003, Vượt qua bến Thượng Hải là bộ phim được Nhà nước đặt hàng với 70% kinh phí (11 tỷ đồng) do hai đạo diễn Triệu Tuấn (Việt Nam) và Phạm Đông Vũ (Trung Quốc) thực hiện cùng dàn diễn viên ở cả hai quốc gia.

* Trailer ‘Vượt qua bến Thượng Hải’

Lấy bối cảnh vào khoảng năm 1933, Vượt qua bến Thượng Hải xoay quanh cuộc hành trình đầy gian nan, thử thách của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Hong Kong tới Hạ Môn, Thượng Hải và tìm đường sang Liên Xô. Để tránh né sự truy lùng của mật thám Pháp và chính quyền Tưởng Giới Thạch, Nguyễn Ái Quốc và người cộng sự tên Hổ tạm lánh vào trong tư dinh của ông Long – một người Hoa giàu có ở thành phố Hạ Môn. Tại đây, Người nhận được sự chăm sóc và bảo vệ bí mật của nữ bác sĩ Phương Thảo, người gốc Hội An. Tuy nhiên, lúc này mật thám Pháp đã bí mật thuê sát thủ tên Ngũ Lang tìm cách ám sát Nguyễn Ái Quốc trước khi Người có cơ hội tới Liên Xô…

Ba diễn viên chính trong 'Vượt qua bến Thượng Hải'.
Ba diễn viên chính trong ‘Vượt qua bến Thượng Hải’.

Câu chuyện lịch sử về việc Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước và nhận được sự giúp đỡ của bà Tống Khánh Linh khi ở Trung Quốc đã được nhiều khán giả thuộc lòng. Tuy nhiên, để tăng sức hấp dẫn và lôi cuốn cho phim, các nhà biên kịch cũng như đạo diễn đã thêm vào nhiều tình tiết hư cấu và các tuyến truyện phụ. 11 đứa trẻ, con của các liệt sĩ An Nam, bị phe phái Tưởng Giới Thạch bắt giữ hay sát thủ Ngũ Lang – anh ruột của nữ bác sĩ Phương Thảo – đều là những nhân vật không có trong lịch sử và được thêm vào để lột tả tính cách của nhân vật Nguyễn Ái Quốc, tạo kịch tính cũng như cao trào cho bộ phim. Câu chuyện về tình anh em của Ngũ Lang và Phương Thảo là một trong những nhân tố gây xúc động trong Vượt qua bến Thượng Hải.
Phim được quay tại nhiều bối cảnh đẹp trải dài trên đất nước Việt Nam như Thanh Hóa, Hội An, Quảng Ninh và sang cả phim trường Hoành Điếm nổi tiếng ở Triết Giang (Trung Quốc). Tận dụng bối cảnh đa dạng, các nhà làm phim đem lại cho người xem những thước phim đẹp mắt. Chuyển động máy quay đi theo nhân vật tạo nên những góc nhìn độc đáo và lôi cuốn khán giả theo dõi những diễn biến tiếp theo xảy ra trên màn ảnh rộng. Màu sắc, ánh sáng đều được trau chuốt tỉ mỉ qua bàn tay của hai đạo diễn Triệu Tuấn và Phạm Đông Vũ.
Âm nhạc cũng là một trong những điểm nhấn tạo hiệu ứng cao về mặt xúc cảm cho người xem. Bên cạnh đó, Vượt qua bến Thượng Hải cũng có sự sáng tạo về thể loại. Không đơn thuần là một bộ phim lịch sử thường diễn giải và khô khan, phim còn được lồng các yếu tố hành động, trinh thám và tình cảm lãng mạn. Các cảnh quay hành động, đánh võ xây dựng khá tốt. Một số cảnh quyết định như khi mật thám Pháp giáp mặt với Nguyễn Ái Quốc hay khu phố An Nam nhốn nháo khi bị chính quyền Tưởng Giới Thạch tung quân truy bắt người lẩn trốn được dàn dựng phá công phu và sống động.

Một cảnh quay
Một cảnh quay “quyết định” trong phim.

Thể hiện vai Nguyễn Ái Quốc là diễn viên Minh Hải – một gương mặt hoàn toàn mới. Anh có lợi thế ở phần ngoại hình, phong thái khá giống Hồ Chủ Tịch. Tuy nhiên, diễn xuất của Minh Hải chưa thuyết phục được người xem và có phần nhạt nhòa. Những gì anh thể hiện trên màn ảnh rộng không tạo được cho người xem cảm xúc hay cái “hồn” của nhân vật. Về khả năng nhập vai so với những diễn viên từng thể hiện vai Nguyễn Ái Quốc trước đây như Trần Lực hay Tiến Hợi thì Minh Hải vẫn còn rất non nớt. Tuy nhiên, hai diễn viên nữ của phim là Mỹ Duyên và Chương Diễm Mẫn (người Trung Quốc) lại để lại khá nhiều ấn tượng.
Vai nữ bác sĩ Phương Thảo của NSƯT Mỹ Duyên tuy không đột phá về tính cách so với những vai diễn trước đây của cô, song diễn xuất chân thật, đầy sức sống thể hiện ở ánh mắt, trạng thái tâm lý thay đổi của nhân vật vẫn chinh phục được người xem. Mặc dù xuất hiện rất ít, nữ diễn viên Trung Quốc Chương Diễm Mẫn lại là người gây ấn tượng mạnh mẽ nhất trong Vượt qua bến Thượng Hải. Cô đã tái hiện thành công hình ảnh bà Tống Khánh Linh – một “quốc mẫu” tài sắc hơn người, có cùng chung chí hướng cách mạng với Nguyễn Ái Quốc.

NSƯT Mỹ Duyên vào vai nữ bác sĩ Phương Thảo, còn Minh Hải hóa thân thành Nguyễn Ái Quốc.
NSƯT Mỹ Duyên vào vai nữ bác sĩ Phương Thảo, còn Minh Hải hóa thân thành Nguyễn Ái Quốc.

Có nhiều sáng tạo về cách xây dựng song Vượt qua bến Thượng Hải vẫn còn rất nhiều hạn chế. Nhiều tuyến truyện, mỗi tuyến lại không được xây dựng rõ rệt nên bộ phim trở nên dàn trải, người xem băn khoăn không hiểu tuyến nào mới là tuyến chính. Cách lồng hồi tưởng xen kẽ với thực tại cũng được áp dụng quá nhiều trong phim, đôi khi tạo cảm giác hơi thừa. Những nhân vật phản diện rất dễ đoán và không tạo ra được cao trào cho phim. Chưa kể có quá nhiều tình tiết sơ sài, vô lý, không logic dẫn đến việc khán giả vẫn chưa “cảm” được cuộc hành trình gian lao, vất vả của Hồ chủ tịch vượt bến Thượng Hải đi sang Liên Xô.
Tuy nhiên, Vượt qua bến Thượng Hải vẫn là một bộ phim lịch sử đáng được trân trọng của điện ảnh Việt Nam trong những năm qua. Phim đã có nhiều sự sáng tạo về bối cảnh, góc quay cũng như thể loại và không còn đi vào lối mòn câu chuyện như những phim lịch sử trước đây.
Vượt qua bến Thượng Hải đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Nguyên Minh

Nguồn: http://vnexpress.net

  1. Không có bình luận
  1. No trackbacks yet.

Bình luận về bài viết này